Biểu hiện của viêm tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt (TTL) là một tuyến đặc biệt chỉ có ở nam giới, kích thước và hình dạng như nhân quả hạnh đào (walnut) nằm phía dưới bàng quang.
Kích thước tuyến tiền liệt của một bé trai chỉ bằng hạt đỗ. Tuyến này lớn dần theo thời gian và phát triển tăng vọt vào tuổi dậy thì. Cho đến 20 tuổi tuyến tiền liệt đạt đến kích thước của người lớn.
Chức năng chính của tuyến tiền liệt là sản xuất tinh dịch, giúp nuôi dưỡng, vận chuyển tinh trùng, bởi vậy chúng ta có thể coi bộ phận này như một thứ bảo bối của tình yêu.
Triệu chứng bệnh
Tuyến tiền liệt bị viêm có thể gây ra những triệu chứng như luôn buồn tiểu, đái dắt, buốt, rát… kèm đau cả vùng chậu nhỏ, bẹn và vùng dưới thắt lưng. Bệnh viêm tuyến tiền liệt rất khó chẩn đoán một phần vì triệu chứng của nó khá giống với một số bệnh khác, ví dụ như bệnh viêm nhiễm bàng quang hoặc niệu đạo.
Có 3 dạng cụ thể như sau:
Viêm nhiễm khuẩn cấp: Triệu chứng thường xuất hiện bất ngờ như sốt rét, có cảm giác như bị cúm, đau ở tuyến tiền liệt, ở phần dưới thắt lưng hoặc ở vùng sinh dục, đái dắt, đau rát hoặc khó khăn khi đi tiểu, đôi khi trong nước tiểu, trong tinh dịch có máu, đau khi xuất tinh.
Viêm nhiễm khuẩn mãn tính: Triệu chứng gần giống như viêm cấp nhưng phát triển chậm hơn và không nguy hiểm bằng viêm cấp. Viêm mãn chỉ sốt nhẹ, thường hay đi tiểu đêm và kéo theo cả viêm bàng quang tái phát.
Viêm mãn không nhiễm khuẩn: Đây là loại phổ biến nhất. Nói chung các biểu hiện và triệu chứng của dạng này giống với dạng 2, nhưng hầu như không bị sốt. Tuy nhiên sự khác nhau chính là không thấy vi khuẩn khi làm xét nghiệm nước tiểu và trong dịch của tuyến tiền liệt. Có khi có các tế bào mủ trong nước tiểu.
Viêm tuyến tiền liệt không có triệu chứng thì không cần xử lý.
Phòng bệnh và điều dưỡng
Viêm tuyến tiền liệt cấp thường lan truyền do các bệnh nhiễm khuẩn niệu đạo, viêm bàng quang, viêm mào tinh hoàn,… vì vậy, cần tích cực hỗ trợ điều trị các bệnh nhiễm khuẩn vùng kế cận.
Viêm tuyến tiền liệt mãn thường do lao động quá sức hoặc sinh hoạt tình dục quá độ nên cần chú ý điều độ trong sinh hoạt.
Chú ý vệ sinh ăn uống, không ăn nhiều chất cay nóng, chất kích thích, hạn chế rượu, thuốc lá. Nên uống nhiều nước, tiểu nhiều có thể giúp chất dịch tiền liệt tuyến bài tiết dễ dàng.
Nên ngồi ghế mềm để giảm bớt lực đè lên tiền liệt tuyến và tránh ngồi quá lâu. Đối với những bạn viêm tiền liệt tuyến, nên đi lại vận động nhiều sẽ tốt hơn.