Những yếu tố gây hiếm muộn ở nam giới

Hiếm muộn là hiện tượng vợ chồng kết hôn đã hơn 1 năm vẫn quan hệ bình thường nhưng không có con. Bệnh có thể do vợ hoặc chồng hoặc do cả hai. Dưới đây chúng tôi đề cập đến vấn đề hiếm muộn ở nam giới.

Những yếu tố gây nên hiếm muộn ở nam giới

1. Do yếu tố tâm lý hoặc sinh hoạt

Nghiện rượu, ma túy, thuốc lá: Các chất này làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.

Stress: Tình trạng này ảnh hưởng đến một số hoóc môn cần thiết cho việc sản xuất tinh trùng. Số lượng tinh trùng có thể giảm đi nếu tình trạng stress quá nặng hay kéo dài.

2. Do những bệnh, hoặc bất thường ở cơ quan sinh dục

Lỗ niệu đạo lạc chỗ: Lỗ niệu đạo nằm ở mặt dưới của dương vật. Đây là một dị tật bẩm sinh, nếu không được phẫu thuật, bệnh nhân sẽ có nhiều nguy cơ ít tinh trùng.

Tinh hoàn không xuống bìu mà vẫn nằm ở ổ bụng. Nhiệt độ cao ở đây khiến nó hoạt động (sản xuất tinh trùng) kém.

Không có tinh hoàn: Rất hiếm gặp.

Thiếu hụt testosteron do suy tuyến sinh dục: Nguyên nhân gây ra tình trạng này là có bệnh ở tinh hoàn, hoặc bất thường ở vùng dưới đồi tuyến yên (tuyến tạo ra hoóc môn chi phối tinh hoàn).

Nhiễm khuẩn: Viêm tuyến tiền liệt, tinh hoàn, túi tinh (tuyến tạo ra tinh dịch), niệu đạo. Các bệnh này làm thay đổi sự chuyển động của tinh trùng. Ngay cả khi đã được hỗ trợ điều trị hiệu quả bằng kháng sinh, chứng nhiễm khuẩn tinh hoàn vẫn có thể gây sẹo và tắc nghẽn ống dẫn tinh.

Hiếm muộn ở nam giới

3. Do ảnh hưởng của dùng thuốc hoặc mắc bệnh khác

Hội chứng Klinfelter: Thừa một nhiễm sắc thể X (XXY), gây phát triển bất thường ở tinh hoàn. Hậu quả là giảm sản xuất tinh trùng và lượng testosteron.

Do phẫu thuật ở bàng quang, tuyến tiền liệt, niệu đạo…

Bệnh tật: Tình trạng chấn thương, các bệnh tiểu đường, bệnh ở tuyến giáp trạng, HIV/AIDS, thiếu máu, nhồi máu cơ tim, suy gan, suy thận… đều có ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản.

Suy dinh dưỡng: Thiếu một số chất như vitamin C, selen, kẽm và folat.

Béo phì: Nhiều khảo sát cho thấy, nam giới béo phì hay bị vô sinh.

Ung thư đang được hỗ trợ điều trị: Một số liệu pháp hỗ trợ điều trị ung thư (tia xạ, hóa liệu pháp) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất tinh trùng.

4. Do vấn đề về quan hệ tình dục

Trong khi quan hệ, người nam bị rối loạn chức năng cương cứng làm ảnh hưởng đến việc quan hệ, không thể đưa dương vật vào âm đạo được, vì  thế việc thụ thai tự nhiên không thể diễn ra.

Xuất tinh trào ngược vào bàng quang: Khi xuất tinh, tinh dịch không được xuất ra ngoài để vào âm đạo mà tinh dịch lại trào ngược vào bàng quang, dẫn đến việc người vợ không nhận được tinh trùng từ chồng và không thể dẫn đến quá trình thụ tinh.

Không thể xuất tinh: Do có bệnh ở ống tủy, hoặc chấn thương cột sống nên hiện tượng xuất tinh không diễn ra trong quá trình giao hợp.

5. Do tinh trùng

Tinh trùng vận động kém: Khả năng vận động thẳng và đi lên của tinh trùng kém, không tới được noãn để thụ tinh.

Không có tinh trùng, tinh trùng dị dạng: Tinh trùng có cấu trúc không bình thường, ảnh hưởng đến khả năng thụ tinh cho noãn.

Những yếu tố nêu trên tác động đến chức năng sinh lý của nam giới một thời gian dài gây nên hiếm muộn thậm chí dẫn đến vô sinh, nam giới nên chú ý đề phòng.